Không nhiều bạn trẻ quan tâm tới lá đơn xin việc, đó là những gì mình nhận thấy trong quá trình tuyển dụng. Họ có thể dành thời gian chăm chút cho CV, nhưng đơn xin việc thì hoặc là không có, hoặc là viết đại khái qua loa.
Tất nhiên với một công ty đang cần người hoặc những vị trí ít cạnh tranh thì chỉ cần bạn đáp ứng được cơ bản yêu cầu công việc là đã có thể được nhận vào làm việc. Nhưng với những doanh nghiệp lớn, những vị trí công việc mà ai cũng mong muốn được thử sức bởi mức lương cao và cơ hội thăng tiến, các ứng viên phải cạnh tranh nhau từng cm. Và nhiều khi sự chênh lệch không phải chỉ là bởi trình độ, thành tích mà còn là sự nghiêm túc, chân thành trong quá trình xin việc.
Nghiêm túc, chuyên nghiệp ngay từ những bước đi đầu tiên sẽ giúp ích rất nhiều, nó tạo cho bạn thói quen tốt và hình thành kỹ năng của bạn. Bởi xét cho cùng, bạn không thể viết một lá đơn xin việc mãi “ngây thơ” như sinh viên mới ra trường, phải không?
9 lỗi khi viết đơn xin việc dưới đây bạn nên tránh nếu không muốn làm hỏng lá đơn của mình bạn nhé:
- Đánh máy không ra đánh máy, viết tay không hẳn viết tay
Bạn hãy quyết định ngay từ đầu, hoặc là đánh máy toàn bộ, hoặc là viết tay toàn bộ (nếu chữ bạn đẹp thì chẳng có lý do gì không viết tay, “nét chữ nết người” mà). Đừng in vội một đơn xin việc mẫu để rồi lại dùng bút điền vào chỗ trống.
- Ấn tượng đầu tiên mờ nhạt
Mời bạn đọc 2 đoạn mở đầu sau:
- Tôi muốn ứng tuyển vào vị trí Nhân viên Kinh doanh Bất động sản.
- Với kinh nghiệm 3 năm trong nghề Bất động sản, đàm phán thành công gần 100 hợp đồng mua bán chung cư cao cấp, tôi tin rằng mình là ứng viên tốt cho vị trí mà công ty đang tuyển dụng.
Bạn ấn tượng với đoạn nào hơn? Tất nhiên là đoạn 2. Hãy làm tương tự như vậy với thư xin việc của bạn. Và nhớ rằng, con số thì luôn gây chú ý hơn câu chữ dài dòng.
- Nói dài, nói dai…
Một lá thư mà dài sang trang thứ 2 của tờ giấy A4 là người đọc đã cảm thấy “ngại” rồi. Lại thêm sự lan man trong câu chữ, thiếu tập trung trong cách viết nội dung thì thực sự không khác nào bạn đang ru ngủ nhà tuyển dụng. Với hầu hết các loại giấy tờ xin việc, ngắn gọn và súc tích là hai yêu cầu chuẩn mực. Hãy kết thúc lá đơn trong vòng 1 trang A4 thôi bạn nhé!
- “Khoe” thành tích một cách thiếu chọn lọc
Hãy trân trọng thời gian mà nhà tuyển dụng bỏ ra để đọc đơn của bạn, đừng bắt họ phải phân tích một dãy dài dằng dặc các thành tích, giải thưởng mà bạn từng đạt được trong khi chúng chẳng liên quan gì tới vị trí họ đang tuyển dụng. Hiểu đơn giản thế này, không ai lại đi thuê một anh nông dân trồng lúa cực kỳ năng suất về để đánh máy tính :D.
Hãy chọn lọc những điểm mạnh của bạn mà liên quan trực tiếp tới công việc đó. Ví dụ như ứng tuyển phiên dịch tiếng Nhật thì bạn hãy “khoe” rằng bạn tốt nghiệp đại học Ngoại ngữ, thành thạo tiếng Anh và tiếng Nhật, từng là du học sinh Nhật Bản 4 năm… Như vậy thì lý do gì nhà tuyển dụng lại không cân nhắc hồ sơ của bạn.
- Thiếu vị trí ứng tuyển
Không nên trình bày một hồi rồi không cho người ta biết là bạn muốn làm gì, hoặc “anh chị nhận em nhé, em làm gì cũng được”. Bạn muốn ứng tuyển vị trí nào hãy nói rõ ngay từ đầu, nó thể hiện mức độ nghiêm túc với công việc và cũng là giúp người tuyển dụng dễ dàng phân loại hồ sơ của bạn với hàng trăm hồ sơ khác.
- Sai chính tả, câu cú lủng củng
Trong một cuộc khảo sát của Robert Half International – công ty cung cấp giải pháp nhân sự hàng đầu thế giới, 84% quản trị viên tham gia cho biết chỉ cần một hay hai lỗi đánh máy trên hồ sơ là đủ để họ đánh trượt một ứng viên. Bạn đã hiểu tầm quan trọng của việc viết đúng chính tả chưa? Hãy rà soát thật kỹ và nhờ mọi người xem lại hồ sơ giúp mình nhé.
- “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”
Tức là bạn viết một lá đơn và gửi cho một loạt các công ty đang tuyển người. Vậy là xảy ra trường hợp ông A – Giám đốc của công ty B lại được bạn chào là ông C – giám đốc của công ty D. Tuyệt đối tránh lỗi này bạn nhé!
- Không để lại thông tin liên lạc
Đừng quên để lại email, số điện thoại của bạn để tiện liên lạc. Tất nhiên phải là một email đang sử dụng thường xuyên cho mục đích công việc để cập nhật thông tin liên tục, chứ không phải email để đăng ký diễn đàn hay chơi game một lần rồi bỏ nhé. Số điện thoại cũng vậy, nếu đang trong thời gian gửi đơn thì hãy quan tâm tới chiếc điện thoại và cầm theo nó mọi lúc. Chỉ cần lỡ 1-2 cuộc điện thoại thôi, cơ hội sẽ rơi vào tay người khác.
- Quên mất lời cảm ơn
“Chân thành cảm ơn”, “Trân trọng”… là lời kết không thể thiếu khi viết thư xin việc. Một lần nữa mình nhắc lại: Hãy trân trọng thời gian mà nhà tuyển dụng bỏ ra để đọc đơn của bạn.
Vậy thôi nha, các lỗi lầm xin được dừng lại tại đây. Hy vọng là các bạn sẽ quan tâm tới việc viết một đơn xin việc hoàn hảo để có được công việc hoàn hảo dành cho bạn!
Leave a Reply